- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Người đăng:
読書が好き
vào
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Ngày nay, nhiều nước châu Á chỉ tổ chức ngày lễ Trung thu, hay lễ ngắm trăng vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Thế nhưng vào thời Edo ở Nhật Bản, lễ này thường được tổ chức hai lần trong năm. Người thời đó cho rằng phải thưởng nguyệt cả đêm 15 và đêm 13 mới được may mắn đủ đầy.
Lễ ngắm trăng ở Nhật Bản được gọi là otsukimi. Vào thời Edo, người ta quan niệm mỗi năm có 2 lần ngắm trăng đẹp nhất: jugoya (thập ngũ dạ) được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, và jusanya (thập tam dạ) được tổ chức vào ngày 13 tháng 9 âm lịch.
Lễ hội cho tất cả
Tương truyền, lễ ngắm trăng có nguồn gốc từ Trung Quốc, có lẽ từ thời nhà Đường (thế kỷ 7 - 10). Phong tục này được truyền vào Nhật Bản trong thời Heian và trở thành một thú tiêu khiển chỉ dành cho giới quý tộc. Mọi người ở trên thuyền trôi trên ao hồ, ngâm thơ tấu nhạc và ngắm trăng, ngắm trăng trên trời và cả thưởng thức trăng gián tiếp như nhìn bóng nguyệt trên mặt nước hay trong ly nước trên bàn.
Sang thời Edo, lễ ngắm trăng được phổ biến rộng khắp trong mọi tầng lớp người dân, được xem như một sự kiện quan trọng diễn ra trong mùa thu. Người ta tụ tập tại những địa điểm ngắm trăng nổi tiếng ở gần Edo, như hai bên bờ sông Sumida, sông Fukagawa, Takanawa, Shinagawa và Shinobazu no ike, vui vẻ ngắm trăng.Jugoya còn có cách gọi khác là chushu no meitsuki (trăng rằm Trung thu). Còn đêm jusanya, vào thời đó người Edo quan niệm "ngắm trăng thực sự" thì phải ngắm trăng vào cả đêm 15 và đêm 13, khi ấy mới mang lại may mắn.
Nếu chỉ ngắm một lần vào đêm 15 thì gọi là katatsukimi, là điềm gở, là nguồn cơn cho những điều không may xảy ra. Ở các vùng nông thôn, người ta kiêng katatsukimi bởi cho rằng nó sẽ gây nên một mùa màng thất bát. Tuy nhiên Yoshiwara, một khu phố đèn đỏ nổi tiếng ở Edo (thành lập vào năm 1617), đã tận dụng quan niệm "katatsukimi không may mắn" này để chèo kéo khách.
Ở Yoshiwara có quy định chế độ monbi, tức là các ngày lễ tiết quan trọng trong năm âm lịch như 7 tháng 1, 3 tháng 3, 5 tháng 5 (Đoan Ngọ), 9 tháng 7 (Thất tịch), 9 tháng 9 (Trùng dương) và cả lễ ngắm trăng. Vào những ngày monbi, các khách hàng sẽ phải chi trả nhiều hơn bình thường cho đồ ăn cũng như cho gái làng chơi.
Quy định này chỉ được áp dụng ở những khu phố đèn đỏ do Mạc phủ mở ra (Yoshiwara, cùng với Shimabara ở Kyoto và Shinmachi ở Osaka, là 3 khu phố đèn đỏ được Mạc phủ cấp phép hoạt động). Vì muốn được khách chi trả nhiều tiền hơn, khi khách làng chơi đến kỹ viện vào đêm 15, các kỹ nữ sẽ nói: "Katatsukimi thật không may mắn, chàng hãy cũng thiếp vui vẻ vào đêm 13 nữa nhé", để hẹn khách trở lại sớm.Lễ vật ngắm trăng
Trong các buổi ngắm trăng, hai lễ vật không thể thiếu đối với người Edo là cỏ chè vè và bánh dango. Cỏ chè vè có tên khác là cỏ bạc hay susumi ở Nhật, là một loại cỏ lau với vẻ ngoài tương tự bông lúa, tượng trưng cho các vị thần, được dùng để trang trí vì ngắm trăng là lễ hội để cầu mong mùa màng bội thu và ngũ cốc sinh sôi phát triển.
Lá của cỏ chè vè có cạnh rất sắc nên nó còn được dùng làm bùa hộ mệnh chống lại tà ma. Người xưa quan niệm, sau khi cúng tế xong xuôi, treo cỏ chè vè lên trước cửa nhà thì cả năm đó người trong gia đình sẽ khỏe mạnh.
Truyền thống dùng bánh dango - món khoái khẩu của cả người lớn và trẻ nhỏ - làm lễ vật để cúng vào lễ ngắm trăng dường như được bắt đầu vào giữa thời Edo trở về sau. Còn đầu thời Edo, mọi người thường ăn imoni (một món lẩu truyền thống vào mùa thu của Nhật Bản, gồm khoai sọ và thịt) và ngắm trăng.
Khi dâng lễ, 15 cái bánh bao dango tròn như Mặt trăng, đường kính khoảng 1 tấc 5 phân (chừng 5cm) được xếp chồng lên nhau; tầng dưới cùng xếp chín cái bánh, tầng giữa bốn và tầng trên cùng hai cái. Khi cúng vào lễ "thập tam dạ", chỉ dùng 13 bánh; tầng dưới cùng xếp chín cái, tầng thứ hai ba và tầng trên cùng một cái. Đây là truyền thống Edo. Loại bánh này ở Kyoto và Osaka lại có đầu hơi nhọn, giống như hình củ khoai sọ, và số lượng chỉ là 12 - tượng trưng cho số lần trăng tròn trong năm.
Vào thời Edo còn có một phong tục khác: vào đêm 15, nếu có người vào trộm bánh dango đang cúng và ăn ở trong nhà ai đó thì gia chủ không được tức giận. Tuy nhiên, kẻ trộm ở đây chỉ áp dụng cho trẻ con mà thôi. Người ta tin rằng trẻ con là sứ giả của Mặt trăng, do đó khi những chiếc bánh dango được bọn trẻ lấy, ai cũng nói "Ôi, thần linh đã ăn bánh rồi kìa", rồi để thêm bánh vào trong đĩa.
Phong tục làm cho trẻ mỉm cười này được cho là bắt đầu từ thời Edo, ngày nay vẫn còn thấy ở nhiều vùng của Nhật Bản.
Ngoài bánh dango, người Nhật còn dâng cúng cả những sản vật khác trong mùa thu như khoai sọ, vì vậy đêm 15 còn được gọi là imomeigetsu (trăng rằm mừng thu hoạch khoai bội thu). Ngoài ra, vào đêm 13 người ta còn dâng cúng cả hạt dẻ và hạt đậu, vì thế đêm 13 còn được gọi là kurimeigetsu (trăng rằm mừng thu hoạch hạt dẻ) hay mamemeigetsu (trăng rằm mừng thu hoạch hạt đậu).
Tùy vào từng mùa mà lễ vật dâng cúng là sản vật của mùa ấy. Nên còn có nhiều loại trái cây theo mùa khác nhau được dâng cúng vào lễ ngắm trăng như hồng, nho và lê, thậm chí vào cuối thời Edo, có nơi có phong tục ăn canh nghêu vào đêm jugoya nữa.
Thời hiện đại, với sự bận rộn và hối hả của con người, và trong vòng xoáy của công nghệ thông tin và mạng xã hội, các sự kiện được tổ chức theo mùa ngày càng ít đi. Tuy nhiên, khi đã biết được nguồn gốc của các sự kiện này, liệu ta có nên thử một lần ngồi trên thuyền lững lờ trôi trên sông để ngắm trăng vào Tết Trung thu năm nay?
Với người Trung Quốc và Nhật Bản, trăng là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở. Cả hai quốc gia đều có câu chuyện về thỏ ngọc sống ở trên Mặt trăng, ở Nhật Bản thì thỏ giã bánh mochi, còn ở Trung Quốc, thỏ được cho là đang chế thần dược trường sinh bất lão.
Ông lão, chính là thần Đế Thích Thiên, cảm động trước linh hồn thuần khiết ấy đã đưa thỏ lên Mặt trăng để ai khi ngẩng lên trời cũng thấy được lòng từ bi bao la của nó.
NGUYỄN MẠNH SƠN-cuoituan.tuoitre.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét