「生出」の正しい読み方は?

Kinh tế Nhật Bản đang ở đáy cùng suy thoái?





Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm quý thứ hai liên tiếp, bất ngờ đẩy Nhật Bản vào suy thoái. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, kinh tế Nhật Bản đã chạm đáy trước đó và đang trên đà phục hồi mạnh.
Hôm 17/11, các nhà kinh tế Nhật Bản đã rất bất ngờ khi Văn phòng Nội các công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III năm 2014 đã giảm 1,6 %. Hầu hết các nhà kinh tế định nghĩa việc suy giảm kinh tế trong hai quý liên tiếp đồng nghĩa với suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn đang nỗ lực theo đuổi chính sách kinh tế của mình bằng việc tuyên bố giải tán Hạ viện và tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào tháng Mười Hai tới, đồng thời kêu gọi hoãn tăng thuế tiêu thụ.

Mặc dù chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu ròng tăng , nhưng việc các doanh nghiệp cắt giảm hàng tồn kho và chi tiêu đầu tư đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây được cho là hậu quả của việc tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% hồi tháng 4/2014.

Theo Bloomberg, ông Yoshiki Shinke,nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Cuộc sống Dai-ichi nhận định: "Việc tăng thuế hồi tháng Tư đã hoàn toàn phá hủy nền kinh tế Nhật Bản - không một thành phần nào của nền kinh tế Nhật Bản trông đáng khích lệ”.

"Dữ liệu này sẽ để lại một ký ức xót xa khác cho các chính trị gia Nhật Bản về việc tăng thuế tiêu thụ".

Trong quá khứ, nền kinh tế Nhật Bản cũng đã từng bị suy thoái mạnh mẽ sau đợt tăng thuế tiêu thụ vào năm 1997, một bài học mà đáng lẽ ông Abe phải lưu ý.

Ông Abe đã nói với liên minh cầm quyền Komeito rằng các dữ liệu GDP "Không được tốt... Chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội để đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng giảm phát".

Những con số tiêu cực từ Nhật Bản đã ảnh hướng tới thị trường tài chính ở cả khu vực. Hôm 17/11, chỉ số MSCI Asia Pacific Index giảm 1,2 %, trong khi Thị trường chứng khoán từ Sydney đến Singapore ngập trong sắc đỏ. Nikkei Stock Average của Tokyo giảm 3% xuống dưới mức 17.000, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ hồi tháng Tám.

Tỉ số đồng yên/USD cũng tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.



Trớ trêu thay, số liệu sụt giảm này được đưa ra sau khi Hội nghị thượng định các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách Abenomics. G20 cũng vừa cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng chung toàn cầu lên 2,1% so với hiện tại vào năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, G20 đã vạch ra tới 800 biện pháp, bao gồm cả các biện pháp dành cho Nhật Bản.

Có nhiều dấu hiệu lạc quan

Tuy vậy, nhiều nhà kinh tế vẫn nhìn thấy rất nhiều dấu hiệu lạc quan.

Tiến sĩ Martin Schulz  thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu cho rằng: "Nguyên nhân chính không hẳn là chi tiêu tiêu dùng mà là đầu tư nhà ở và tình hình đáng thất vọng của đầu tư kinh doanh nói chung”.

Ông lạc quan rằng triển vọng trong quý tiếp theo sẽ tốt hơn trong ba quý vừa qua vì vậy nền kinh tế Nhật Bản chắc chắn sẽ không bị mắc kẹt trong suy thoái. Nền kinh tế đã chạm đáy trong suốt mùa hè và đang vực dậy. Xuất khẩu và sản xuất đang tăng; các kế hoạch đầu tư vẫn đang được tiến hành bất chấp việc sụt giảm hàng tồn kho trong quý vừa qua.

Ông nói: “Chính sách tổng thể vẫn đang rất rộng mở và chắc chắn sẽ có hiệu quả; việc thay đổi chính sách của Ngân hàng Trương ương (BOJ) và tình trạng đồng yên suy yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu”.

Theo ông Schulz, việc hoãn lại kế hoạch tăng thuế tiêu thụ vào năm tới đã ít nhiều được quyết định trước khi dữ liệu GDP sụt giảm trên được công bố.

Ông nói: "Các nhà hoạch định chính sách và cụ thể là các chính trị gia đã tìm lý do trì hoãn tăng thuế…Việc hoãn tăng thuế tiêu thụ sẽ có lợi cho các hộ gia đình và do đó, sẽ là một nền tảng bầu cử tốt hơn cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP)”.

Theo ông Schulz, việc tăng thuế tiêu thụ có thể sẽ bị trì hoãn cho đến tháng 4/2017, chậm hơn 1,5 năm so kế hoạch 10/2015 trước đó.

Các nhà kinh tế khác cũng ghi nhận được những số liệu lạc quan gần đây, bao gồm tình trạng việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện. Số lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết bị gia dụng cũng lần đầu tiên tăng trong 5 tháng qua.

Chuyên gia kinh tế Yuji Shimanaka đến từ công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định: "Mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với một cuộc “tiểu suy thoái” kể từ hồi tháng Hai, nhưng nó đang phục hồi sau khi đã chạm đáy hồi tháng Tám”.

Hidenobu Tokuda đến từ Viện Nghiên cứu Mizuho cho rằng GDP sẽ tăng 4% trong quý cuối cùng của năm 2014 dưới sự hỗ trợ của các khoản tiền thưởng lao động mùa đông và mức lương cao hơn tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhật báo kinh tế Nikkei cũng đưa ra một dấu hiệu tích cực đối với xuất khẩu và đầu tư là nhà sản xuất điều hòa không khí Daikin đã chuyển các đơn vị sản xuất cho hộ gia đình từ Trung Quốc trở về Nhật Bản khi đồng yên bị yếu đi. Động thái này có thể lan rộng trong ngành sản xuất.

Ngoài ra, Bloomberg đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch bổ sung ngân sách khoảng 3 nghìn tỷ yên (25 tỷ USD) cho năm tài khóa 2014 để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Việc trì hoãn tăng thuế tiêu thụ cũng có thể bổ sung thêm 0,5 % vào tăng trưởng.

Còn về phần ông Abe, một chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ giúp cho ông có thể tiến hành cải cách hơn nữa để thực hiện những cam kết quốc tế tại G20 vừa qua.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)


Living in Japan - Bubam Trần