「生出」の正しい読み方は?

Sự bình dị đáng ngờ của đại gia Nhật

Ở Nhật Bản, bạn có thể sống ngay bên cạnh một triệu phú nhưng không hề biết, bởi nhà của ông ta trông chẳng khác gì nhà bạn. Thay vào đó, triệu phú Nhật chi nhiều tiền hơn để giúp tài sản cá nhân gia tăng một cách kín đáo.





Trong cuốn sách "The New Rich", tác giả Atsushi Miura, cho biết, hơn 1,3 triệu người Nhật có thu nhập trung bình một năm khoảng 30 triệu yên đến 100 triệu yên (tương đương từ 6 đến 21 tỷ đồng) nhờ sự phát triển trong ngành công nghiệp tài chính của đất nước này.

Tuy nhiên, với thói quen kín đáo, hầu hết người Nhật không thích phô trương sự giàu có của mình với xã hội, hay đúng hơn, là theo cách nhiều người phương Tây thường làm.
Trong nghiên cứu của mình, Atsushi Miura cho biết, người giàu tại Nhật Bản không thích xây biệt thự. Họ thích sống trong những ngôi nhà kiểu truyền thống, hoặc các căn hộ thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt. Thậm chí, dù là đất nước sản sinh ra nhiều dòng xe sang, nhưng Nhật Bản lại tiêu thụ mạnh các dòng xe tiết kiệm xăng, thân thiện với môi trường.

Điều khó khăn nhất với những người Nhật giàu có là thuế đánh vào tài sản rất lớn. Thuế thu nhập của Nhật Bản lên tới 45%, trong khi thuế thừa kế lên tới 55%. Với mức thuế này, số tài sản thời ông bà tích góp được sẽ về 0 vào thời con cháu, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ đóng thuế cho Chính phủ.
Vì vậy, chỉ những người Nhật giàu mới nổi có thể thích thể hiện sự giàu có, nhưng những gia đình có tài sản lớn từ thời cha ông lại giữ tiền một cách kín đáo hơn. Họ dành nhiều thời gian để "tiền đẻ ra tiền", do đó, khái niệm "giàu nhàn rỗi" không tồn tại, bởi dù được thừa kế khối tài sản lớn, những ông chủ trẻ tuổi vẫn phải làm việc cật lực, trong hầu như suốt cuộc đời.
Vậy người giàu Nhật chi tiền vào thứ gì? Cuốn "The New Rich" chỉ ra rằng, những người sở hữu khối tài sản triệu đô tại đất nước mặt trời mọc thích đổ tiền mua các tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức đắt tiền, đi du lịch tại các địa danh nổi tiếng đắt đỏ trên thế giới, và dồn tiền cho con cái học hành.
Theo thống kê của hãng nghiên cứu tài chính Nomura, những đưa trẻ được xếp vào nhóm "người giàu kế cận trong tương lai" của các gia đình thượng lưu tại Nhật tiếp cận khá sớm với các khóa học về chiến lược đầu tư.
Chỉ có 8% dân số Nhật có kinh nghiệm đầu tư, nhưng có tới 24% con cái của những người có tài sản trên 100 triệu yên có kinh nghiệm như vậy, và 52% trong số đó sở hữu danh mục đầu tư riêng.
Nhật cũng là quốc gia với dân số già điển hình. Người già Nhật sở hữu khối tài sản lớn phải tự tìm cách quản lý tài sản của mình, bởi tài sản trung bình của những người trên 60 tuổi ở Nhật lên tới 14 triệu yên. Trong đó, một nhóm người được Nomura đặt biệt danh là "cao niên kỹ thuật số" lại sở hữu tài sản trung bình tới 26 triệu yên.
Đây là những người rất am hiểu về công nghệ, thường tìm hiểu thế giới qua internet và kiếm tìm các cơ hội đầu tư. Thông qua những cuộc gọi trao đổi với cố vấn tài chính, các "cao niên kỹ thuật số" có thể thực hiện mua bán chứng khoán online, hoặc đổ tiền vào các kênh đầu tư gọi vốn trực tuyến.
(Theo Trí Thức Trẻ)

Nhận xét